Trứng Phục sinh Fabergé được làm từ vàng, kim cương cùng đá quý, bên trong ẩn chứa nhiều điều bất ngờ với cả người tặng.
Hơn một thế kỷ, cái tên Fabergé gắn liền với sự giàu có, sang trọng và những quả trứng Phục sinh đắt đỏ nhất thế giới. Hiện trứng Phục sinh Fabergé vẫn được coi là tác phẩm trang trí tinh xảo bậc nhất thế giới, thứ du khách tới Nga không nên bỏ lỡ dịp chiêm ngưỡng.
Trứng do Công ty Kim hoàn Fabergé chế tác, điều hành bởi Peter Carl Fabergé. Đầu những năm 1880, Sa hoàng Alexander III tham dự một triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ và bị thu hút bởi sản phẩm của nghệ nhân kim hoàn này.
Trứng Fabergé có nhiều kích cỡ khác nhau, cao từ 7 đến 12 cm. Chúng được làm bằng tay, sử dụng những nguyên liệu đắt giá như vàng, kim cương và đá quý. Mỗi quả trứng lại có thiết kế không trùng lặp và cần tới 1-2 năm chuẩn bị. Thông thường, trứng mở được và bên trong chứa một điều bất ngờ nào đó, ví dụ như một bức chân dung hoặc đồng hồ tí hon.
Năm 1885, Fabergé được Sa hoàng Alexander III đặt hàng quả trứng Phục sinh đầu tiên, dùng làm quà tặng vợ, Hoàng hậu Maria Feodorovna nhân dịp lễ Phục sinh. Quả trứng lấy cảm hứng từ đồ trang trí thế kỷ 18, bên ngoài có lớp vỏ làm từ vàng phủ men trắng đục. Khi mở ra, nó để lộ điều bất ngờ đầu tiên là phần lòng đỏ bằng vàng. Mở tiếp phần lòng đỏ, một con gà mái vàng với đôi mắt hồng ngọc xuất hiện. Bên trong con gà mái ẩn giấu điều bất ngờ thứ ba là một chiếc vương miện và mặt dây chuyền, nhưng cả hai món này ngay nay bị thất lạc.
Quá thích thú với quả trứng đầu tiên, Sa hoàng Alexander III mỗi năm đều đặt hàng Fabergé làm trứng Phục sinh. Sau khi ông qua đời, con trai là Sa hoàng Nicholas II cũng nối tiếp truyền thống tặng trứng Phục sinh cho vợ và mẹ. Tổng cộng, Fabergé làm 50 quả trứng Phục sinh cho Hoàng gia Nga. Những quả trứng này còn được gọi là trứng Hoàng gia.
Quả trứng Fabergé đắt giá nhất được nhà Romanov đặt hàng mang tên Mùa Đông với phần vỏ được làm từ hơn 1.600 viên kim cương và thạch anh, bạch kim, đá mặt trăng. Bên trong là một giỏ hoa đính hơn 1.300 viên kim cương. Giá trị của quả trứng này vào năm 1913 là 24.700 rúp. Năm 2002, nó được bán với giá 9,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá ở New York (Mỹ).
Khi cách mạng Nga nổ ra năm 1917, Công ty Kim hoàn Fabergé bị giải thể. Một số quả trứng Hoàng gia bị thất lạc, hiện còn lại 43 quả. Ngày nay, hầu hết chúng được lưu giữ tại bảo tàng Kremlin Armory ở Moskva và bảo tàng Fabergé ở St. Petersburg.
Trong bảo tàng Armory, du khách có thể chiêm ngưỡng 10 quả trứng Phục sinh Hoàng gia. Nổi bật là quả trứng Ký ức Azov chứa mô hình tàu tuần dương cùng tên, và quả trứng Đường sắt xuyên Siberia được trang trí với bản đồ Đế quốc Nga, ở trong có một đoàn tàu nhỏ.
Bảo tàng Fabergé là nơi trưng bày bộ sưu tập trứng Phục sinh do doanh nhân Viktor Vekselberg thu thập, với 9 quả trứng Hoàng gia và 6 quả trứng Fabergé làm cho khách hàng khác.
Ngoài việc chiêm ngưỡng, du khách tới Nga có thể mua trứng Phục sinh theo phong cách Fabergé về làm kỷ niệm. Chúng được bán tại bảo tàng Hermitage (St. Petersburg) với giá từ 35 đến 700 USD. Ngoài ra, các nhà thờ và cửa hàng lưu niệm cũng bán loại trứng này, tuy không tinh xảo bằng và thường không chứa điều bất ngờ bên trong.
Comment (0)